21 tháng 6, 2013

Những trở ngại trong nuôi tôm sú ở những vùng có độ muối thấp

Những trở ngại trong nuôi tôm sú ở những vùng có độ muối thấp
Tôm sú (Penaeus monodon) có thể tồn tại và sinh trưởng trong nước có nồng độ muối từ 2 đến 45 ppt. Vì vậy, nông dân nuôi tôm có thể mở rộng sản xuất đến nhiều vùng khác nhau. Tuy nhiên, nồng độ muối quá cao hay quá thấp luôn gây nên những trở ngại hơn so với nồng độ muối thích hợp, nồng độ muối thích hợp cho tôm sú nằm trong hkoảng 15-25 ppt. Nuôi tôm trong độ muối cao hơn 30 ppt có thể gặp trở ngại về bệnh, đặc biệt là virus đốm trắng hoặc đầu vàng và vi khuẩn phát sáng. Vì vậy, nhiều nông dân nuôi tôm chuyển đến vùng nước lợ và nước ngọt. 

Năm 1995, tác giả đã tổng kết những trở ngại và giải pháp khắc phục cho nuôi tôm sú ở vùng nước ngọt. Bởi vì sự gia tăng và sự thay đổi về trở ngại trong nuôi tôm ở độ muối thấp, tác giả biên soạn và tổng kết lại những thông tin này qua đó nông dân có thể tìm phương pháp nuôi thích hợp cho từng môi trường và hệ thống nuôi. Những trở ngại lớn trong nuôi tôm sú ở độ muối thấp bao gồm:

Độ muối

Độ muối thích hợp cho việc thả giống không nên thấp hơn 7-8 ppt và nên duy trì độ muối này trong tháng đầu để giảm rủi ro và giúp tôm thích ứng với điều kiện môi trường sau khi vận chuyển từ trại giống về. Sau đó có thể giảm độ muối từ từ nhưng không được thấp hơn 2 ppt đến khi tôm đạt 10-12 g. Nếu độ muối thấp hơn mức này tôm sẽ bị còi hoặc chết. Nếu tôm bị còi hay mềm vỏ thì phải thêm nước biển vào để tăng độ muối cho ao nuôi.

Quản lý nước

Trại nuôi nên có ao chứa/ao lắng và kênh quanh ao nuôi để lắng phù sa và vật chất hữu cơ ít nhất 2-3 ngày trước khi thay nước. Việc thay nước ao nên tiến hành khi nước trở nên sậm màu và đục, không tăng lượng thức ăn. Nên xả bớt nước ao ra để loại bớt chất thải khi việc cấp thêm nước không cải thiện được chất lượng nước. Các kênh quanh ao nuôi hoặc ao xử lý có thể dùng để chứa chất thải trong quá trình thu hoạch. Kênh hay ao chứa chất thải nên có độ sâu, 1,5m rộng 5 m và đủ lớn để chứa chất thải của 2 ao nuôi tôm thịt.

Khống chế pH

Bởi vì đây là hệ thống nuôi ít thay nước, tảo nở hoa thường xảy ra trong suốt vụ nuôi, điều này làm tăng pH và cũng yây biến động pH theo ngày đêm. Vì vậy, sự phát triển của tảo nên được khống chế bằng cách thỉnh thoảng trao đổi nước với ao chứa/ao 

lắng. pH thích hợp nên đạt 7,8-8,0 vào buổi sáng và không nên vượt quá 8,3 vào buổi chiều. Nếu không thể thay nước nên xử lý formaline với liều lượng 6,25-31,25 lít/ha/ngày trong 3-5 ngày để làm giảm pH của nước. Nếu pH vược quá 8,0 vào buổi sáng thi không được bất kỳ loại vôi nào. 

Độ kiềm

Độ kiềm thông thường nên đạt 50 ppm ở dạng bicarbonate, dạng này có thể giữ pH ổn định. Vôi ở dạng CaCO3 hay dolomite nên được bón trước khi thả giống. Sử dụng Na2CO3 với liều lượng 62,5-125 kg/ha cũng làm tăng độ kiềm của ao. Kế đó nên bón phân bởi vì sự phát triển của tảo cũng làm tăng độ kiềm.

Cứng vỏ

Nếu độ kiềm của ao lớn hơn 150 và pH cao hơn 8,3 canxi sẽ tích lũy trong vỏ của tôm làm tôm bị còi, chậm lớn. Để khắc phục vấn đề này nên làm giảm pH dưới 8,3 bằng cách thay nước hay xử lý formaline.

Tôm bị chết hay bị ăn thịt

Sau 70-80 ngày ở độ muối quá thấp thì tôm không thể lột xác và có thể bị mềm vỏ, tôm dễ bị ăn thịt bởi các tôm khỏe. Nếu tôm bị mềm vỏ, nên thêm nước biển hoặc muối hạt để nâng độ muối của nước ao nôi trên 3 ppt. Dùng muối hạt khoảng 625-1250 kg/ha/lần tùy vào độ muối của nước ao.

Khí độc

Bởi vì mật độ thả cao (500.000 PL/ha) và hệ thống kín, hàm lượng ammonia trong ao có thể rất cao. Cùng với sự gia tăng pH mức độ độc của ammonia sẽ tăng. Vì vậy, nên có ao chứa/ao lắng để thay nước và điều khiển độ pH.

Độ đục

Nên cải thiện độ đục sau 40-50 ngày sau thả giống hay thay nước. Tôm lúc này có thể bị có màu sẩm hay đỏ vào buổi sáng. Nên khắc phục tình trạng này trước khi tôm bỏ ăn, trong lúc đó có nhiều phiêu sinh vật trong nước. Để làm giảm độ đục của nước, nên tắt sục khí vào ban ngày. Điều này giúp các chất rắn lơ lửng lắng tụ và phiêu sinh vật nổi lên trên bề mặt. Nên xả nước tầng đáy để loại bớt các chất lắng tụ. Nếu tình trạng nước đục vẫn còn, nên dùng các hóa chất gây kết tụ và cung cấp nguồn giống phiêu sinh vật từ bên ngoài ao nuôi. Khi phiêu sinh vật phát triển trở lại thì tình trạng nước đục sẽ được khắc phục.

Sinh trưởng chậm hay bị còi

Sau 90 ngày nuôi, có thể quan sát thấy hiện tượng tôm còi và giảm bắt mồi của tôm. Độ muối thấp và ao có nhiều chất thải có thể gây ra hiện tượng này. Có thể khắc phục điều này bằng cách xả bớt nước tằng đáy và cấp thêm nước mặn. Trong trường hợp mật độ nuôi cao nên chuyển mật số tôm sang ao khác. 

Trên đây là những trở ngại thường gặp ở tất cả các vùng nuôi tôm. Người nuôi tôm nên theo dõi thường xuyên sức khỏe của tôm, kiểm soát chất lượng nước và xử lý kịp thời để tránh rủi ro. 

Người dịch: Trương Quốc Phú – Khoa Thủy sản – Đại học Cần Thơ.
Nguồn tin: Chanratchakool, P. 2003. Problems in Penaeus monodon culture in low salinity areas. AQUACULTURE-ASIA January-March 2003 Vol. III No. 1:54-56

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyên sản xuất và cung cấp nguyên liệu, phụ gia phục vụ trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (tags) và thủy sản. Luôn đồng hành mọi lúc mọi nơi, Bảo Minh đảm bảo về chất lượng sản phẩm đồng nhất, số lượng hàng hóa cung ứng ổn định.